Xe nâng container các sự cố thường gặp và cách khắc phục
Xe nâng container đóng vai trò then chốt trong hoạt động logistics và vận tải biển. Tuy nhiên, như mọi thiết bị cơ giới khác, xe nâng container cũng có thể gặp phải các sự cố trong quá trình vận hành. Việc nhận biết sớm các sự cố thường gặp và nắm vững cách khắc phục nhanh chóng là vô cùng quan trọng để đảm bảo năng suất, an toàn và giảm thiểu chi phí sửa chữa.
1. Lỗi hệ thống thủy lực

Hệ thống thủy lực là “trái tim” của xe nâng container, cung cấp sức mạnh cho các chức năng nâng hạ, di chuyển và điều khiển. Các lỗi thường gặp bao gồm rò rỉ dầu, áp suất thấp, bơm thủy lực bị hỏng hoặc van điều khiển bị kẹt. Nguyên nhân có thể do gioăng phớt bị lão hóa, đường ống bị nứt, dầu thủy lực bị bẩn, hoặc bơm và van bị mài mòn, tệ hơn xi lanh bị xước (buộc phải thay thế hoặc mạ).
Để xử lý, trước tiên cần kiểm tra mức dầu thủy lực và bổ sung nếu cần. Sau đó, kiểm tra kỹ các đường ống, khớp nối và xi lanh để tìm dấu hiệu rò rỉ. Nếu phát hiện rò rỉ, cần thay thế gioăng phớt hoặc sửa chữa/thay thế đường ống bị hỏng. Đối với các vấn đề phức tạp hơn như bơm hoặc van bị hỏng, nên liên hệ với kỹ thuật viên chuyên nghiệp để được chẩn đoán và sửa chữa.
Việc sử dụng dầu thủy lực chất lượng cao, thay dầu định kỳ và kiểm tra áp suất thường xuyên là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đảm bảo hệ thống lọc dầu hoạt động tốt để loại bỏ các tạp chất, giúp kéo dài tuổi thọ của hệ thống thủy lực và giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.
2. Vấn đề về động cơ xe nâng container
Động cơ là nguồn cung cấp năng lượng cho xe nâng container. Các vấn đề thường gặp bao gồm khó khởi động, động cơ chạy không đều, quá nhiệt, khói đen hoặc khói trắng. Nguyên nhân có thể do chất lượng nhiên liệu kém, kim phun bị tắc, lọc gió bị bẩn, hệ thống làm mát bị lỗi hoặc động cơ bị mòn…
Khi gặp sự cố về động cơ, hãy bắt đầu bằng việc kiểm tra các yếu tố cơ bản như nhiên liệu, dầu nhớt và nước làm mát. Kiểm tra lọc gió xem có bị bẩn không và làm sạch hoặc thay thế nếu cần. Nếu động cơ khó khởi động, hãy kiểm tra bugi hoặc hệ thống đánh lửa. Đối với các vấn đề phức tạp hơn như kim phun bị tắc hoặc động cơ bị mòn, cần sự can thiệp của kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
Để phòng ngừa sự cố động cơ, hãy tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ, bao gồm thay dầu nhớt, lọc dầu, lọc gió và kiểm tra hệ thống làm mát. Sử dụng nhiên liệu chất lượng tốt và tránh vận hành xe nâng container quá tải. Kiểm tra và bảo dưỡng xe nâng container reach stacker thường xuyên.
3. Sự cố hệ thống phanh kiểm tra & sửa chữa
Hệ thống phanh là yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn khi vận hành xe nâng container. Các sự cố thường gặp bao gồm phanh không ăn, phanh bị bó cứng, tiếng ồn khi phanh hoặc rò rỉ dầu phanh. Nguyên nhân có thể do má phanh bị mòn, đĩa phanh bị cong vênh, đường ống dẫn dầu phanh bị tắc hoặc xi lanh phanh bị hỏng.
Khi phát hiện sự cố phanh, cần kiểm tra mức dầu phanh và bổ sung nếu cần. Kiểm tra má phanh và đĩa phanh xem có bị mòn hoặc hư hỏng không. Nếu má phanh bị mòn, cần thay thế ngay lập tức. Kiểm tra đường ống dẫn dầu phanh xem có bị rò rỉ hoặc tắc nghẽn không. Nếu phát hiện rò rỉ, cần sửa chữa hoặc thay thế đường ống.
Việc kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ là rất quan trọng. Thay dầu phanh định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Kiểm tra và điều chỉnh phanh tay thường xuyên. Đảm bảo phanh hoạt động tốt trước khi vận hành xe nâng container.
4. Lốp xe nâng container bị mòn nhanh
Lốp xe nâng container chịu tải trọng lớn và hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, do đó dễ bị mòn nhanh. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ lốp bao gồm áp suất lốp không đúng, tải trọng quá lớn, bề mặt làm việc gồ ghề và thói quen lái xe không tốt. Đặc biệt đối với những xe nâng container hàng, xe nâng reach stacker người lái trong một số trường hợp có thể can thiệp để nâng hạ quá tải từ 10 đến 15% điều này về lâu đặc biệt có hại đến hệ thống cần nâng và lốp, nhất là ở những bến cảng và ICD nền bãi đã xuống cấp.
Để kéo dài tuổi thọ lốp, cần đảm bảo áp suất lốp luôn đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Kiểm tra áp suất lốp thường xuyên, đặc biệt là trước khi vận hành xe nâng container. Tránh vận hành xe nâng container quá tải, điều này cần phải quán triệt rõ ràng với lái xe và việc nâng hạ container quá tải phải có kế hoạch và phê duyệt bởi đội kỹ thuật, bởi vì hậu quả có thể không xuất hiện ngay nhưng chắc chắn là có. Lựa chọn lốp phù hợp với loại xe nâng container và điều kiện làm việc.
Lái xe cẩn thận, tránh phanh gấp và quay đầu đột ngột. Kiểm tra và bảo dưỡng lốp định kỳ, bao gồm đảo lốp và cân bằng động. Vệ sinh lốp thường xuyên để loại bỏ các vật sắc nhọn có thể gây hư hỏng.
5. Hỏng hóc hộp số xe nâng container
Hộp số có nhiệm vụ truyền động từ động cơ đến bánh xe. Các dấu hiệu hỏng hóc hộp số bao gồm khó vào số, trượt số, tiếng ồn lạ từ hộp số hoặc rung giật khi chuyển số. Nguyên nhân có thể do dầu hộp số bị bẩn hoặc thiếu, các bánh răng bị mòn hoặc hỏng, hoặc bộ ly hợp bị trượt.
Khi gặp sự cố hộp số, hãy kiểm tra mức dầu hộp số và bổ sung nếu cần. Thay dầu hộp số định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu các dấu hiệu vẫn còn, cần liên hệ với kỹ thuật viên chuyên nghiệp để được chẩn đoán và sửa chữa. Việc tự ý sửa chữa hộp số có thể gây ra hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Để phòng ngừa sự cố hộp số, hãy lái xe cẩn thận, tránh tăng tốc, chuyển số đột ngột và vận hành xe nâng container quá tải. Sử dụng dầu hộp số chất lượng tốt và thay dầu định kỳ. Kiểm tra và bảo dưỡng hộp số thường xuyên.
6. Các vấn đề về điện
Hệ thống điện điều khiển nhiều chức năng quan trọng của xe nâng container, bao gồm khởi động, chiếu sáng, tín hiệu và hệ thống điều khiển. Các vấn đề thường gặp bao gồm ắc quy yếu, dây điện bị đứt hoặc chập, cầu chì bị cháy hoặc các cảm biến bị hỏng.
Khi gặp sự cố về điện, hãy kiểm tra ắc quy xem có đủ điện không. Kiểm tra các dây điện xem có bị đứt hoặc chập không. Thay thế cầu chì bị cháy bằng cầu chì có cùng thông số. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, cần liên hệ với kỹ thuật viên điện để được chẩn đoán và sửa chữa.
Để phòng ngừa sự cố điện, hãy bảo dưỡng ắc quy định kỳ, kiểm tra và làm sạch các đầu nối điện, thay thế dây điện bị lão hóa hoặc hư hỏng. Tránh để xe nâng container tiếp xúc với nước hoặc môi trường ẩm ướt kéo dài. Đặc biệt đối với môi trường và điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam với độ ẩm cao và miền Nam có mùa mưa kéo dài, ở miền Bắc một số nơi có mùa nồm, tương đối khắc nghiệt, do đó sau khi khắc phục sự cố về điện nên tăng cường cách điện, che chắn kỹ càng ở các vị trí có khả năng đọng nước hoặc nước luồn vào.
7. Sự cố hệ thống nâng hạ: An toàn & biện pháp phòng ngừa

Hệ thống nâng hạ là bộ phận quan trọng nhất của xe nâng container, trực tiếp thực hiện chức năng nâng hạ và di chuyển container. Các sự cố có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng, bao gồm cần nâng bị lứt đối với dòng Reach stacker, cáp – xích bị sơ đứt đối với , xi lanh nâng, xi lanh mở gù… bị rò rỉ, hoặc hệ thống khóa bị hỏng.
Đối với dòng xe nâng container rỗng thẳng đứng sự cố có liên quan đến: cáp bị xoắn, đứt sợi; xi lanh khung chụp rò rỉ dầu hệ thống khóa bị hỏng…Nhưng về cơ bản do chỉ dùng để nâng cont rỗng nên việc hỏng hóc đến mức gây hậu quả nghiệm trọng của những dòng này ít khi xảy ra và có thể dễ dàng phát hiện trong quá trình vận hành.
Đối với dòng xe nâng cont hàng đặc biệt là dòng reach stacker dấu hiệu hỏng hóc ở hệ thống nâng hạ nhất là hệ thống cần nâng khó phát hiện và có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều do đặc thù sử dụng cần thu phóng và phải nâng hàng hóa khối lượng lớn.
Trước mỗi ca làm việc, cần kiểm tra kỹ hệ thống nâng hạ, bao gồm dây cáp, xi lanh nâng, hệ thống khóa và các khớp nối. Đảm bảo tất cả các bộ phận đều hoạt động bình thường và không có dấu hiệu hư hỏng. Đặc biệt đối với dòng Reach Stacker nên định kỳ kiểm tra chuyên sâu hệ thống cần nâng, nhanh chóng phát hiện vết nứt, rách hoặc dấu hiệu cấu trúc cần nâng đã tới hạn.
Đảm bảo lái xe tuyệt đối không vận hành xe nâng container nếu phát hiện bất kỳ sự cố nào.
Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn khi nâng hạ container. Không nâng container quá tải, nếu có nên có kế hoạch và tham khảo của đội kỹ thuật. Đảm bảo container được khóa chặt trước khi di chuyển. Đào tạo kỹ lưỡng cho người vận hành về các quy trình an toàn và cách xử lý các tình huống khẩn cấp.
Kiểm tra, hiệu chỉnh và bảo dưỡng định kỳ đúng cách kéo dài tuổi thọ
Kiểm tra định kỳ là biện pháp phòng ngừa đơn giản, hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro hư hỏng và đảm bảo an toàn khi vận hành xe nâng container nói riêng và mọi loại trang thiết bị nói chung.
Tuy nhiên khi số lượng phương tiện trang thiết bị tăng lên và đa dạng hóa thì đây có thể là một bài toán đau đầu cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa chi phí và tính hiệu quả khi khai thác trong suốt vòng đời thiết bị. Một số vấn đề có thể xuất hiện trong quá trình doanh nghiệp tìm cách giải bài toán đảm bảo kỹ thuật trang thiết bị hiệu quả bao gồm: Duy trì đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề; mua sắm trang thiết bị đảm bảo kỹ thuật phù hợp; đảm bảo phụ tùng, vật tư thay thế có sẵn; thời gian sửa chữa bảo dưỡng cân đối với lịch trình sản xuất…